Từ 1-7-2015, dịch vụ định giá bất động sản sẽ ra sao?


Hiện nay, khoản 2, điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 quy định điều kiện kinh doanh của “dịch vụ định giá bất động sản” khá đơn giản là tổ chức chỉ cần có ít nhất hai cá nhân được cấp chứng chỉ định giá bất động sản. Trên thực tế, đang tồn tại một hoạt động gần giống dịch vụ định giá bất động sản, nhưng lại được quy định trong một hệ thống văn bản khác, đó là “dịch vụ thẩm định giá” (cho mọi loại tài sản cần định giá, bao gồm cả bất động sản). Dịch vụ thẩm định giá đang được điều chỉnh bởi Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá năm 2012.

Có lẽ vì phát hiện ra tình trạng “chồng chéo” nêu trên (cùng một loại dịch vụ nhưng được đặt hai loại tên gọi và điều chỉnh bởi hai hệ thống văn bản pháp luật khác nhau, và gắn với các điều kiện kinh doanh khác nhau), nên trong đợt sửa đổi và ban hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (có hiệu lực từ 1-7-2015), “dịch vụ  định giá bất động sản” đã được bỏ ra khỏi luật này.

Tuy nhiên, luật này chỉ có một quy định chuyển tiếp tại khoản 4, điều 80 là các cá nhân được cấp chứng chỉ định giá bất động sản (một dạng của chứng chỉ hành nghề) thì được tiếp tục dùng chứng chỉ này trong năm năm kể từ ngày 1-7-2015. Sau đó thì những cá nhân này phải chuyển sang làm “thẩm định giá viên”.

Đặt trong bối cảnh các quy định trên được đưa ra thì chúng ta có thể hiểu mục đích của chúng là từ ngày 1-7-2015, các tổ chức không còn được kinh doanh dịch vụ định giá bất động sản nữa, mà phải chuyển sang kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (bất động sản), và trong  năm năm đầu thì các cá nhân được cấp chứng chỉ định giá bất động sản có thể hành nghề như thẩm định viên về giá, còn sau đó thì họ phải có chứng chỉ hành nghề thẩm định viên về giá.

Tuy nhiên, có một hệ quả mà có lẽ các nhà làm luật không tính đến là hiện tại pháp luật không hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ định giá bất động sản, nhưng lại có hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  cung cấp dịch vụ thẩm định giá (bao gồm cả bất động sản). Cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 35% vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẩm định giá . Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 35% đang cung cấp dịch vụ định giá bất động sản sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấm dứt hoạt động kinh doanh này từ ngày 1-7-2015.

Nếu điều này xảy ra, nó có thể gây ra những đánh giá rất xấu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Vậy vấn đề đặt ra là có giải pháp nào để xử lý vấn đề này không?


Đối tác và khách hàng của chúng tôi